Khi ly hôn, theo nguyên tắc chung, vợ chồng có tranh chấp về tài sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi. Tuy nhiên, theo qui định hiện hành, Toà án còn phải tính đến một số yếu tố để xác định tỉ lệ tài sản mà vợ chồng được chia, trong đó có yếu tố lỗi của mỗi bên vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Thực tế, Toà án khó xác định được lỗi của mỗi bên (vợ, chồng) thậm chí là không thể. Mặt khác, yếu tố lỗi của mỗi bên không phải là căn cứ để quyết định cho hay không cho ly hôn.
Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tập trung tìm hiểu, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ chia tài sảnchung của vợ chồng, thực tiễn về đường lối của Toà án về vấn đề này như thế nào. Đánh giá về tính khả thi của qui định về yếu tố lỗi của mỗi bên vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phân tích một số định có liên quan để làm sáng tỏ hơn vấn đề.
- Quy định về chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn
Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 1959, không qui định về việc chia đôi tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn thành một nguyên tắc nhưng có qui định: Khi ly hôn, việc chia tài sản sẽ căn cứ vào sự đóng góp về công sức của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình[1]. Nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng có tranh chấp sẽ được chia đôi khi ly hôn bắt đầu được qui định tại Luật HN&GĐ năm 1986[2], Luật HN&GĐ năm 2000[3] và hiện nay là Luật HN&GĐ năm 2014.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014 và điểm d khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06 tháng 01 năm 2016 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ tư pháp về việc hướng dẫn thi hành một số qui định của Luật HN&GĐ năm 2014 (viết tắt là Thông tư số 01/2016) thì tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỉ lệ tài sản mà vợ chồng được chia: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Chia đôi là nguyên tắc và sẽ “giữ vai trò chi phối” trong mối quan hệ với các yếu tố khác. Nhưng nếu có xuất hiện yếu tố khác: Chẳng hạn yếu tố công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, hay yếu tố lỗi của một trong hai bên trong việc vì phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng thì sẽ ảnh hưởng đến việc chia tài sản chung của vợ chồng như thế nào và tỉ lệ chia cho mỗi bên là bao nhiêu hay do Toà án tự quyết định? Quan điểm và đường lối chia tài sản khi ly hôncủa TANDTC về vấn đề này như thế nào?
- Đường lối chia tài sản khi ly hôn của TANDTC
Tại Thông tư số 690-DS ngày 29-4-1960
Đối với tài sản thừa kế hay tặng cho một bên, tài sản riêng của mỗi bên trước khi kết hôn mà đem về, đồ đạc dùng cho cá nhân mà có giá trị và những tài sản do vợ chồng lao động chung mà tạo nên đều được coi là tài sản chung của vợ chồng và nên kiểm kê, đánh giá rồi căn cứ vào các tiêu chuẩn: Lao động góp sức vào gia đình nhiều hay ít, kết hôn lâu hay mới, con cái đông hay ít và trình trạng cụ thể của hai bên mà nhận xét để chia cho thoả đáng. Nếu xét lao động cả hai bên tương xứng thì mới chia bằng nhau. Nếu xét một bên lao động kém, lại có những hành vi phá tán, hoang phí sẽ chia cho sát theo sự đóng góp công sức của mỗi bên.
Lời tổng kết hội nghị tổng kết công tác năm 1977 của ngành Toà án nhân dân
Về tư trang… Đặc biệt ở Miền Nam, trong nhiều vụ án, các Toà án giải quyết chia vàng và đồ trang sức bằng vàng cho các đương sự, việc chia như vậy là hợp tình hợp lý, vì khi kết hôn, nhà trai và nhà gái tặng vợ chồng một số vàng vừa có tác dụng trang sức cho người phụ nữ, vừa có mục đích cho vợ chồng làm vốn liếng xây dựng gia đình. Vì vậy, khi xử lý loại việc này, các Toà án cần xác định là số ít đồ trang sức của riêng người phụ nữ không chia… còn những thứ chủ yếu là để dành làm vốn cho cả hai vợ chồng thì cần kiểm kê để chia cho cả hai người theo những nguyên tắc đã qui định tại Điều 15 và Điều 29 Luật HN&GĐ (năm 1959).
Thông tư 60/TATC ngày 22 tháng 2 năm 1978 của TANDTC hướng dẫn giải quyết các việc tranh chấp về hôn nhân và gia đình của cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong nam, tập kết ra bắc lấy vợ, lấy chồng khác
Về tài sản: Nếu cần xử chia tài sản trong các trường hợp ly hôn, tiêu hôn trên đây. Cũng như trong các vụ ly hôn trước đây chỉ mới xử ly hôn, còn gác lại vấn đề tài sản để xét sau, thì trước khi xử chia, phải điều tra, xác minh đầy đủ về nguồn gốc, về tình trạng tài sản còn nhiều hay ít, hiện ai giữ… để việc phân chia được chính xác, thoả đáng.
Chỉ thị số 69/TATC ngày 24 tháng 12 năm 1979 về việc giải quyết vấn đề nhà, đảm bảo chỗ ở cho các đương sự sau khi ly hôn
Nhà do hai vợ chồng tạo lập trong thời gian chung sống là tài sản chung của vợ chồng – việc chia nhà cho bên vợ hay chồng cần phải xem xét các mặt như: Hai người có thực sự ở nhà đó từ trước đến khi ly hôn hay vợ hoặc chồng có nơi ở khác… Nếu hai bên thực sự đều có khó khăn trong việc tạo lập chỗ ở mới thì ngăn chia nhà đó cho cả hai bên sử dụng. Diện tích chia cho mỗi bên sử dụng nhiều hay ít tuỳ thuộc cụ thể vào việc đảm nhận nuôi con cái, không nhất thiết chia đôi… Nhà gắn liền với đất – Trong trường hợp đất rộng thì có thể chia đất cho cả hai bên – Nếu trên đất có cây ăn trái thì cũng chia cho thoả đáng…
Báo cáo tổng kết công tác năm 1978 của ngành Toà án nhân dân
Đối với các Toà án ở Miền Nam, Toà án nhân dân tối cao đã lưu ý sự cảnh giác đối với những vụ án ly hôn có khối tài sản lớn, đề phòng thủ đoạn ly hôn giả tạo để phân tán tài sản, trốn tránh cải tạo… Trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp dân sự và hôn nhân gia đình, các Toà án còn phải chú ý thêm đến đặc điểm ở mỗi vùng miền, đặc điểm của từng địa phương … để có chủ trương đúng… Vì vậy, khi giải quyết các vụ án kiện ly hôn có chia tài sản (máy móc, nông cụ, ruộng đất, trâu bò…), các Toà án cần thận trọng. Đối chiếu kỹ với nội dung, tinh thần các văn bản kể trên tránh thiếu sót.
Lời tổng kết hội nghị tổng kết công tác năm 1975 của ngành Toà án nhân dân, lời tổng kết hội nghị tổng kết công tác năm 1979 của ngành Toà án nhân dân có đề cập đến vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn nhưng cũng không đề cập đến tỉ lệ cụ thể. Ngoài ra, các văn bản pháp luật có qui định về việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn từ năm 1986 đến trước trước ngày Luật HN&GĐ năm 2014 có hiệu lực thì không có qui định cụ thể về tỉ lệ nếu có xuất hiện yếu tố khác[4].
Luật HN&GĐ năm 2014 và Thông tư liên tịch số 01/2016 có đề cập đến một số yếu tố để xác định tỉ lệ tài sản mà vợ chồng được chia khi ly hôn nhưng không nói rõ là tỉ lệ cụ thể. Tháng 11 năm 2018, trong tài liệu tập huấn Luật HN&GĐ , TANDTC có đề cập: “trong thực tiễn xét xử, dù một bên có công sức rất lớn, có nhiều yếu tố khác để được chia nhiều hơn thì cũng không được chia nhiều gấp đôi bên kia, hay nói cách khác thì dù được chia nhiều cũng không đến 2/3 giá trị tài sản chung”[5].
Chúng tôi viện dẫn đường lối xét xử vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến việc chia tài sản chung nêu trên để thấy được và đi đến kết luận là: bắt đầu từ Luật HN&GĐ năm 1986 cho đến thời điểm hiện tại, khi xét xử vụ án ly hôn, nếu tài sản chung mà vợ chồng có tranh chấp thì căn cứ vào nguyên tắc là “chia đôi” nhưng cũng phải tính đến các yếu tố khác, nhưng không nói cụ thể tỉ lệ là bao nhiêu mà do Toà án quyết định trong từng vụ việc cụ thể.
- Yếu tố lỗi ảnh hưởng đến tỉ lệ tài sản được chia khi vợ chồng ly hôn
Trong các yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ tài sản được chia khi vợ chồng li hôn thì lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là một yếu tố mới bổ sung vào Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014. Theo Thông tư liên tịch số 01/2016 hướng dẫn thi hành Luật HN&GĐ năm 2014 thì “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.
Với việc qui định “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là một yếu tố để xác định tỉ lệ tài sản mà vợ chồng được chia thật sự không thể thi hành trên thực tế. Bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất: Khó nhận diện và phân định rõ ràng vợ hay chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân; vi phạm quyền, nghĩa vụ về tài sản.
Về quyền và nghĩa vụ về nhân thân của vợ chồng được qui định, tại Mục 1, Chương III, từ Điều 17 đến Điều 23 trong Luật HN&GĐ năm 2014 là một qui định viện dẫn đến các quyền, nghĩa vụ cụ thể trong Luật HN&GĐ, Bộ luật Dân sự, các luật khác có liên quan và cả trong Hiến pháp. Đơn cử về điều luật qui định về tình nghĩa vợ chồng tại Điều 19 Luật HN&GĐ: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác. Nghĩa vụ yêu thương, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, nghĩa vụ sống chung vv… như điều luật qui định là những thuật ngữ mang tính định tính, trừu tượng nên khi xét xử, Toà án khó xác định vợ chồng có vi phạm về quyền, nghĩa vụ về nhân thân, thậm chí không muốn nói là không thể.
Về vi phạm quyền, nghĩa vụ về tài sản: Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2014 qui định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng: Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Trong trường hợp việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường. Rõ ràng vấn đề bồi thường dân sự đã được đặt ra nếu vợ chồng có vi phạm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản đối với người còn lại hoặc người thứ ba, vậy tại sao lại tiếp tục qui định vi phạm quyền, nghĩa vụ về tài sản tại điểm d khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016. Với qui định như thế, chúng tôi cho rằng một hành vi vi phạm phải chịu đến hai loại trách nhiệm pháp lý và theo chúng tôi qui định tại hướng dẫn của thông tư là không phù hợp với Điều 29 của Luật HN& GĐ.
Để làm rõ thêm về “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”, Thông tư liên tịch số 01/2016 cho Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên. Theo chúng tôi ví dụ này thực chất là làm sáng tỏ thêm nguyên nhân mâu thuẫn, mức độ trầm trọng của tình cảm vợ chồng và hoàn cảnh của vợ, con để có cách thức bảo vệ chủ thể yếu thế hơn đó là người vợ và trẻ chưa thành niên. Một số trong những cách thức hữu hiệu là giao cho họ với tỉ lệ nhiều hơn, không nên đồng nhất “lỗi” là yếu tố tác động, ảnh hưởng đến tỉ lệ được chia. Vấn đề này đã được đề cập tại Thông tư số 690-DS ngày 29-4-1960 của TANDTC: … căn cứ vào tiêu chuẩn: Lao động góp sức vào gia đình nhiều hay ít, kết hôn lâu hay mới, con cái đông hay ít và trình trạng cụ thể của hai bên mà nhận xét để chia cho thoả đáng. Nếu xét lao động cả hai bên tương xứng thì mới chia bằng nhau. Nếu xét một bên lao động kém, lại có những hành vi phá tán, hoang phí sẽ chia cho sát theo sự đóng góp công sức của mỗi bên.
Thứ hai: Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng không phải là căn cứ để Toà án giải quyết cho các bên ly hôn. Căn cứ để Toà án cho vợ chồng ly hôn được qui định tại Điều 55, 56 Luật Hôn nhân & Gia đình. Khoản 1 Điều 56 qui định: Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Với nội dung qui định này thì lỗi mỗi bên không phải là một căn cứ để Toà án giải quyết cho ly hôn. Nếu không phải là một căn cứ để cho ly hôn thì Toà án không nhận định trong bản án về lỗi nên không có cơ sở nhận định việc chia tài sản cho vợ hay chồng được hưởng nhiều hơn do người kia có lỗi trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Có quan điểm cho rằng “Lỗi” của vợ chồng là một trong những căn cứ cho ly hôn tại khoản 1 Điều 56 và đây là điểm mới của Luật HN&GĐ 2014 là không chính xác[6]. Thực chất đó là một nội dung được luật hoá vào trong khoản 1 Điều 56 Luật HN&GĐ 2014 từ nội dung hướng dẫn thế nào “Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng”, “Đời sống chung không thể kéo dài được”, “Mục đích của hôn nhân không đạt được” đã được nêu tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2000.
Về vấn đề lỗi của vợ chồng cũng đã được đề cập tại Báo cáo tổng kết công tác năm 1962 của ngành Toà án nhân dân: … Có một vài Toà án còn nêu lỗi của một bên trong phần quyết định của của bản án xử ly hôn là do chưa quán triệt đường lối, xét xử ly hôn phải căn cứ vào tình cảm vợ chồng hết hay còn để làm cơ sở phân tích cho ly hay không cho ly… Tất nhiên, khi phân tích, đánh giá tình cảm, Toà án phải xét nguồn gốc mâu thuẫn, động cơ đưa đến việc ly hôn để có hướng giúp đỡ thích hợp cho đương sự… Với lời tổng kết này, TANDTC không xem lỗi không là căn cứ cho li hôn.
Thứ ba: Không thể cân đối lỗi giữa vợ và chồng trong cuộc sống khi xét xử, giải quyết vụ án li hôn. Thực tế xét xử tại Toà án cho thấy: Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình dẫn đến ly hôn khá đa dạng và hầu hết xuất phát từ cả hai phía, người vợ người chồng. Đến Toà án, người vợ khai người chồng thiếu quan tâm, chăm sóc, không sống chung (theo Điều 19 Luật HN&GĐ là vi phạm nghĩa vụ vợ chồng) người vợ mới đi ngoại tình (vì phạm nghĩa vụ vợ chồng). Người chồng khai người bị vợ thường xuyên xúc phạm nên người chồng không quan tâm đến người vợ (vi phạm nghĩa vụ vợ chồng) vvv… Rõ ràng, mỗi vợ chồng, mỗi gia đình là một hoàn cảnh, có nhiều nguyên nhân đang xen nhau, nguyên nhân này là tiền đề của mâu thuẫn gia đình, rồi chính mâu thuẫn đó lại là nguyên nhân, là tiền đề của mâu thuẫn mới nên không thể xác định được lỗi thuộc về ai, ai là người nhiều lỗi hơn, ai là người ít hơn. Nên việc qui định vấn đề xem xét lỗi của mỗi bên để tính toán quyết định tỉ lệ chia tài sản giữa vợ chồng khi ly hôn như qui định tại điểm d khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ hiện hành và điểm d khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016 là thiếu tính thực tiễn, không khả thi trên thực tế.
- Nhận xét, kiến nghị
Một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật[7]. Văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tiêu chí: qui định phải dễ áp dụng, thi hành trên thực tế đời sống. Như phân tích ở trên, rõ ràng việc qui định yếu tố lỗi của mỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng để Toà án xem xét tính toán đến tỉ lệ chia tài sản chung khi ly hôn là không khả thi trên thực tế.
Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng không phải là căn cứ cho ly hôn tức là không được nhận định khẳng định vợ hay chồng có lỗi nhiều hay ít, tỉ lệ bao nhiêu mà hệ quả kéo theo là nhận định trong việc chia tài sản với tỉ lệ đó. Cả phương diện thực tiễn, chưa có qui định nào qui định khi có lỗi thì tỉ lệ được chia tài sản là bao nhiêu.
Trên cơ sở đã phân tích ở phần trên, chúng tôi có kiến nghị sau:
Nên bãi bỏ điểm qui định tại điểm d khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014. Cụ thể là bãi bỏ nội dung: “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng được qui định”.
Đồng thời, bãi bỏ điểm d khoản 4 Điều 7 tại Thông tư liên tịch 01/2016 và ví dụ hướng dẫn điểm khoản này, cụ thể bãi bỏ hướng dẫn: “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôm và bãi bỏ ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.
ThS. TRƯƠNG THANH HÒA (TAND huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi)
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).
[1] Xem Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959.
[2] Xem Điều 42 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986.
[3] Xem Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
[4] Nghị quyết số 02/2004/HĐTP ngày 10 tháng 8 năm 2004 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình; Nghị quyết số 01/2003/HĐTP ngày 16 tháng 4 năm 2003 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp án dân sự, hôn nhân và gia đình; Nghị quyết số 02/2000/ HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng hướng dẫn áp dụng một số qui định của luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19 tháng 10 năm 1990 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số qui định của pháp lệnh thừa kế; Nghị quyết 01/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 01 năm 1988 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng hướng dẫn áp dụng một số qui định của luật hôn nhân và gia đình (năm 1986). Nghị quyết sô 35/2000/NQ-QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000 của Quốc Hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình. Nghị định số 70/2001/NĐ ngày 03 tháng 10 năm 2001của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật hôn nhân và gia đình.
[5] Xem Tài liệu tập huấn giải quyết vụ việc hôn nhân gia đình năm 2018 của TANDTC, tr46,47.
[6] Xem tại http://www.sotuphapqnam.gov.vn/index.php/2017-03-13-06-49-51/2061-v-yu-t-li-trong-lut-hon-nhan-va-gia-inh-2014
[7] Xem Khoản 1 Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.