Vai trò của vật chứng trong vụ án hình sự

Vật chứng là một trong các nguồn chứng cứ mà Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định bên cạnh các nguồn chứng cứ khác. Vật chứng có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình chứng minh vụ án hình sự, do là các vật thể không bị chi phối bởi các yếu tố tình cảm, tâm lý nên nó phản ánh trung thực những thông tin về vụ án. Trên cơ sở kế thừa quy định về vật chứng tại Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng mở rộng về giá trị sử dụng của vật chứng, cụ thể: vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Như vậy, bên cạnh việc liệt kê cụ thể, Điều luật đã bổ sung các vật khác được thu thập theo trình tự, thủ tục và có giá trị chứng minh, làm rõ sự thật khách quan của vụ án đều được coi là vật chứng.

Ví dụ, những vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội có thể là: vũ khí để gây thương tích, giết người như dao, lê, sung, gậy, kiếm, côn… ; công cụ để trộm cắp tài sản như khoan, vam phá khóa, thang trèo cổng…; phương tiện để chở tài sản do phạm tội mà có như ô tô, xích lô, xe máy… Vật mang dấu vết tội phạm có thể là đồ vật có dấu vân tay của người phạm tội, vết máu của nạn nhân tại hiện trường… Vật là đối tượng của tội phạm có thể là tài sản của người bị hại trong vụ án chiếm đoạt tài sản… Những vật khác có giá trị chứng minh, làm rõ sự thật khách quan của vụ án như vật được mua bằng tiền do phạm tội mà có…

XEM THÊM