Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cso thể lấy lời khai người làm chứng, cho người làm chứng nhận dạng… Trong đó, lời khai người làm chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để giải quyết vụ án hình sự. Trong quá trình lấy lời khai, người làm chứng trình bày những gì mà họ biết về nguồn tin tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đặt ra.
Người làm chứng có thể tiếp cận thông tin vụ án bằng hai hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Người làm chứng có thể trực tiếp trông thấy, nghe thấy những tình tiết, diễn biến của vụ án mà không thông qua khâu trung gian nào hoặc có thể họ nghe người khác kể lại, biết được thông qua thiết bị điện tử ghi lại. Thông thường lời khai của người làm chứng có tính khách quan do họ thường không bị ảnh hưởng, chi phối bởi các yếu tố chủ quan như là người thân thích của bị hại hoặc người phạm tội nên có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định sự thật của vụ án. Trong quá trình lấy lời khai, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể yêu cầu người làm chứng viết bản tường trình về sự việc họ biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ án, sau đó mới tiến hành lấy lời khai. Ngoài những tình tiết do tự người làm chứng khai báo, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể đặt các câu hỏi để làm rõ các tình tiết có liên quan. Thông qua lời khai của người làm chứng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể đề ra biện pháp thu thập chứng cứ khác hoặc kiểm tra, đánh giá các chứng cứ trong vụ án để bảo đảm tính chính xác của chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án. Người làm chứng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu họ khai báo gian dối, từ chối hoặc chốn tránh việc khai báo.
Để bảo đảm tính xác thực của chứng cứ, người làm chứng phải trình bày rõ bằng cách nào mà họ biết được các tình tiết mà họ đã khai báo. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi xác định tính hợp pháp của lời khai người làm chứng. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được những tình tiết đó. Trong quá trình lấy lời khai người làm chứng, ngoài các tình tiết cần làm rõ thì việc làm rõ lý do người làm chứng biết được tình tiết mà họ khai báo là yêu cầu bắt buộc để có thể coi lời khai của người làm chứng là chứng cứ trong giải quyết vụ án.