Kết luận định giá tài sản là một nguồn chứng cứ quan trọng trong giải quyết vụ án, đặc biệt là các vụ án xâm phạm sở hữu. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chưa có quy định cụ thể về định giá tài sản, việc định giá tài sản được quy định trong nghị định của Chính phủ, trong khi đây là nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật tố tụng hình sự (trước đây là Nghị định số 26/2005/NĐ-CP, hiện nay là Nghị định số 30/2018/NĐ-CP). Chính vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 lần đầu tiên đã được bổ sung quy định về định giá tài sản và kết luận định giá tài sản, xác định đây là nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự.
Kết luận định giá tài sản là văn bản do Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự lập để kết luận về giá trị tài sản được yêu cầu, nó có thể được dùng để quyết định việc xem xét trách nhiệm hình sự, khung hình phạt hoặc giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Trong các vụ án xâm phạm sở hữu, việc định giá tài sản là yêu cầu bắt buộc để kết luận về giá trị của tài sản bị xâm hại. Đối với các vụ án khác, việc định giá tài sản được thực hiện khi giá trị tài sản đó có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Việc định giá tài sản phải dựa trên các căn cứ: giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; giá trên tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); giá trị thực tế của tài sản cần định giá; các căn cứ khác về giá trị của tài sản cần định giá. Việc định giá tài sản có thể vẫn được thực hiện trong trường hợp tài sản định giá không được thu hồi, trong trường hợp đó, ngoài hồ sơ, tài liệu về tài sản (nếu có), Hội đồng định giá tài sản tiến hành định giá căn cứ vào các tài liệu có liên quan như lời khai về giá trị tài sản khi mua, đánh giá của những nhà chuyên môn về tài sản tại thời điểm định giá… để kết luận về giá trị tài sản. Hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó. Kết luận định giá tài sản phải có chữ ký của tất cả thành viên Hội đồng định giá tài sản. Trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng ghi ý kiến kết luận cảu mình vào bản kết luận. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận định giá tài sản thì phải nêu rõ lý do; nếu kết luận chưa rõ thì quyết định định giá lại theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.
Việc định giá tài sản được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và nghị định của Chính phủ về định giá tài sản. Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, quy định khác của pháp luật về định giá thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội