Kết luận giám định là nguồn chứng cứ quan trọng

Kết luận giám định là một nguồn chứng cứ quan trọng trong giải quyết vụ án. Đây là kết luận chuyên môn của cá nhân, cơ quan, tổ chức giám định về vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định, nó được đánh giá trên cơ sở khoa học nên bảo đảm về tính chính xác, khách quan.

Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

Tùy vào tính chất, nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định mà kết luận giám định có giá trị chứng minh khác nhau, có thể nó có ý nghĩa trong việc định tội danh, định khung hình phạt hoặc làm rõ các tình tiết khác phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Thực tiễn tố tụng hình sự cho thấy, xuất phát từ những thiếu sót, vi phạm trong thủ tục trưng cầu, tiến hành giám định và nội dung kết luận giám định. Trong nhiều vụ án liên quan lĩnh vực trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, một số kết luận giám định về tài chính – kế toán chưa bảo đảm căn cứ pháp lý cả về thủ tục và thẩm quyền giám định. Cần lưu ý rằng, kết luận giám định là kết luận chuyên môn, nên cá nhân, cơ quan, tổ chức giám định cũng cần nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, không được đưa ra các nhận định mang tính quy kết trách nhiệm hình sự thay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Việc giám định để đưa ra kết luận được cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện trên cơ sở khoa học. Chính vì thế, kết luận giám định có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết vụ án hình sự, việc đưa ra kết luận giám định không chính xác dù là vì mục đích cá nhân hay vô ý đều có thể dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng, làm sai lệch kết quả giải quyết vụ án. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm của cơ quan, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định, điều luật quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể này, họ phải chịu trách nhiệm về kết luận đó. Để phân định rõ trách nhiệm trong trường hợp giám định tập thể, điều luật quy định rõ: nếu việc giám định do tập thể giám định tiến hành thì tất cả thành viên đều ký vào bản kết luận. Trường hợp có ý kiến khác nhau thì mỗi người ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận.

Kết luận giám định tư pháp phải có các nội dung: họ, tên người thực hiện giám định; tổ chức thực hiện giám định; tên cơ quan tiến hành tố tụng; họ, tên người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; thông tin xác định đối tượng giám định; thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định; nội dung yêu cầu giám định; phương pháp thực hiện giám định; kết luận về đối tượng giám định; thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.

Cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân giám định giải thích kết luận giám định. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.

Để bảo đảm tính pháp lý của kết luận giám định, nếu kết luận giám định của người được trưng cầu giám định thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.

Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

XEM THÊM