Một số quy định mới về hoạt động thương mại biên giới từ năm 2018

Ngày 23/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết các hoạt động thương mại biên giới tại Điều 53 và Điều 54 Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân, cư dân biên giới; các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán, trao đổi hàng hóa quy định trong điều ước quốc tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước có chung biên giới (“Nghị định 14/2018/NĐ-CP”).

Nghị định 14/2018/NĐ-CP thay thế Quyết định số 52/2015/QĐ-TT ngày 20 tháng 10 năm 2015 về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới (“Quyết định 52/2015/QĐ-TT”)  có nhiều quy định mới và chi tiết về hoạt động thương mại biên giới của thương nhân, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Cụ thể:

Đối với hoạt động thương mại biện giới: Thương nhân được thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới bao gồm:

  • Thương nhân Việt Nam: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật (theo quy định hiện hành thì cá nhân không thuộc đối tượng điều chỉnh).
  • Thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam  thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới theo cam kết của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cửa khẩu biên giới thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Quản lý ngoại thương là các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Trong trường hợp hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới thực hiện qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, UBND tỉnh biên giới quyết định, công bố Danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa sau khi trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành liên quan về việc đảm bảo có đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước. Việc cho phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua các địa điểm khác không phải là cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được thực hiện khi có ý kiến của Thủ tường Chính phủ, ý kiến thống nhất của các bộ, ngành liên quan.

Về hoạt động mua mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, đối tượng bao gồm: (1) Các cư dân biên giới là công dân Việt Nam và công dân nước có chung biên giới có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới; (2) Người có giấy phép của cơ quan công an tỉnh biên giới cho cư trú ở khu vực biên giới. Hàng hóa của cư dân biên giới là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam hoặc nước có chung biên giới do cư dân biên giới mua bán, trao đổi ở khu vực biên giới hai nước để phục vụ các nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới và Danh mục hàng hóa sẽ do Bộ Công thương ban hành.

Đối với hoạt động thương mại tại các chợ biên giới, chủ thể thực hiện bao gồm các đối tượng: (1) Thương nhân, cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại khu vực biên giới hoặc có giấy phép của cơ quan công an có thẩm quyền cho cư trú ở khu vực biên giới; (2) Thương nhân, cá nhân mang quốc tịch của nước có chung biên giới, có một trong các giấy tờ có giá trị sử dụng như sau: Hộ chiếu, Giấy chứng minh thư biên giới, Thẻ Căn cước công dân (áp dụng đối với cư dân biên giới trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Lào, Việt Nam – Cam-pu-chia), Giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới, hoặc giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh khác được cấp theo quy định pháp luật của nước có chung biên giới; thương nhân, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh của nước có chung biên giới đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật của nước có chung biên giới; (3) Thương nhân, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh của nước có chung biên giới chỉ được phép mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới và phải thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Hoạt động kinh doanh tại chợ biên giới ngoài việc thực hiện theo các quy định của trước đây thì từ năm 2018 sẽ còn thực hiện theo các điều ước quốc tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước có chung biên giới.
Các quy định về xuất nhập cảnh người và phương tiện trong hoạt động thương mại biên giới cũng được quy định chi tiết và cụ thể hơn.
Nghị định 14/2018/NĐ-CP đã bỏ chế định về Ban chỉ đạo thương mại biên giới được quy định tại Chương VII Quyết định 52/2015/QĐ-TTg.
Nghị định 14/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/01/2018. .

Văn phòng Luật sư số 5 Hà Nội

XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tên *