Người bào chữa và người được bào chữa trong vụ án hình sự

Quyền con người là một trong những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm được Hiến pháp nước ta ghi nhận, trong đó có quyền bào chữa, nhằm không để bất kỳ người nào có thể bị hạn chế hay tước quyền cơ bản mà pháp luật dành cho họ, kể cả khi họ là người phạm tội. Quyền bào chữa là quyền bác bỏ một phần, toàn bộ việc buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho người bị buộc tội. Quyền bào chữa của người bị buộc tội được thực hiện thông qua việc họ tự bào chữa hoặc nhờ luật sư hoặc nhờ người khác bào chữa. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bào chữa là người không liên quan đến vụ án, được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Luật sư Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, diện người được nhờ bào chữa của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 rộng hơn, ngoài người bị tạm giữ, bị can, bị cáo còn bao gồm người bị bắt. Đối với người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt trong trường hợp truy nã, ngay khi bị bắt, họ đã có quyền nhờ người bào chữa để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, không phải đợi đến khi có quyết định tạm giữ như quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Ngoài ra, có một điểm mới là người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố ngay từ khi được Cơ quan điều tra triệu tập, mời làm việc đã được quyền nhờ luật sư tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho mình trước khi vụ án hình sự được khởi tố. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 lần đầu tiên quy định trình tự, thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nên pháp nhân cũng là chủ thể được hưởng quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi của mình. Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 435 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa cho pháp nhân.

Về người bào chữa, trước đây, ngoài luật sư, người bào chữa có thể là “người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” (điểm b khoản 1 Điều 56), nay Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định khái niệm rộng hơn là “người đại diện của người bị buộc tội”. Cùng với luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung người bào chữa có thể là Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 thì Trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước, làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý. Người được trợ giúp pháp lý bao gồm người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 do không có quy định cụ thể xác định tiêu chí của bào chữa viên nhân dân nên quá trình áp dụng nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung quy định về bào chữa viên nhân dân nên quá trình áp dụng nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung quy định về bào chữa viên nhân dân để xác định rõ về diện chủ thể này, đó là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, có đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người của tổ chức mình để thống nhất áp dụng.

Để bảo đảm khách quan trong hoạt động bào chữa, Bộ luật tố tụng hình sự quy định cụ thể các trường hợp không được tham gia bào chữa. Trường hợp những người thuộc diện không được tham gia bào chữa nếu đã tiến hành bào chữa thì phải bị thay đổi. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung những người không được bào chữa là người tham gia vụ án đó với tư cách là người định giá tài sản, người dịch thuật để bảo đảm khách quan và phù hợp với việc bổ sung quy định về người định giá tài sản, người dịch thuật.

Để bảo đảm tính khách quan, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cảu người bị buộc tội không thể bị xâm hại bất kể vì lý do gì, kể cả ngay từ phía người bào chữa, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định một người bào chữa chỉ có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng một vụ án hình sự khi quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Bộ luật tố tụng hình sự cũng không giới hạn số người bào chữa cho một người bị buộc tội, theo đó, một người bị buộc tội có thể nhờ nhiều người bào chữa cho mình.

Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

XEM THÊM