Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự

Trên cơ sở tiếp tục kế thừa các quy định hợp lý của Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm bảo vệ hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Trong đó, đã được bổ sung khái niệm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người được bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; mở rộng diện người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bao gồm cả Trợ giúp viên pháp lý. Theo đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể là:

  • Luật sư;
  • Người đại diện;
  • Bào chữa viên nhân dân;
  • Trợ giúp viên pháp lý.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ có các quyền tương tự như người bào chữa.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Cũng như người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự phải có nghĩa vụ làm rõ sự thật khách quan của vụ án để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của bị hại, đương sự, không được sử dụng thủ đoạn trái pháp luật trong thực hiện trách nhiệm nghề nghiệp của mình. Khi đã nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thì họ phải có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự này, trong đó có việc giải thích về các quy định của pháp luật có liên quan, giải thích quyền, nghĩa vụ của bị hại, đương sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật.

XEM THÊM