Theo định nghĩa quy định trong Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013, tố giác về tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm do cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng cung cấp cho cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết. Tin báo về tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc do cơ quan, tổ chức cung cấp cho cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết. Kiến nghị khởi tố là việc các cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của mình phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm và cơ văn bản kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét khởi tố vụ án hình sự.
Để khắc phục tình trạng người hoặc pháp nhân bị tố giác, tin báo, bị kiến nghị khởi tố khi được Cơ quan điều tra triệu tập lên làm việc, lấy lời khai, giải trình và cung cấp hồ sơ nhưng không nhận được sự hỗ trợ, tư vấn về mặt pháp lý của luật sư, lần đầu tiên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định chủ thể mới là “người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố”. Có thể nói, đây là quy định rất mới, thể hiện bước chuyển nhận thức về sự cần thiết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tình nghi hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật phát sinh từ tố cáo của công dân, phản ánh qua báo chí hay từ kiến nghị các cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp. Quy định này tháo bỏ rào cản trong quan niệm rằng, chỉ khi vụ án bị khởi tố, người bị tình nghi bị bắt, bị tạm giữ thì mới phát sinh nhu cầu bào chữa, bảo vệ quyền lợi. Nó cũng mở rộng giai đoạn tham gia của luật sư và những người bào chữa khác trước khi vụ án được khởi tố, tạo điều kiện cho họ được thu thập, đánh giá và trợ giúp cho người bị tình nghi phạm tội trình bày các chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho mình. Chính sự tham gia từ rất sớm trước khi tố tụng hình sự được khởi động đã cho phép nhìn nhận một cách rõ ràng hơn nguyên tắc tranh tụng không chỉ được bảo đảm tại phiên tòa, mà nó được thể hiện ngay từ giai đoạn “tiền tố tụng” và người bào chữa, bảo vệ quyền lợi có cơ hội phản biện, tranh tụng với bên buộc tội.
Tương tự như đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là:
- Luật sư;
- Bào chữa viên nhân dân;
- Người đại diện;
- Trợ giúp viên pháp lý.
Tuy nhiên, so với người bào chữa, quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố bị thu hẹp hơn, cụ thể gồm các quyền:
- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
- Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
- Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bên cạnh các quyền, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có nghĩa vụ:
- Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố chỉ được sử dụng các biện pháp hợp pháp, không được dùng các thủ đoạn mua chuộc, ngụy tạo chứng cứ.
- Giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Khi đã nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì họ phải có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố như: giải thích về các quy định của pháp luật có liên quan, giải thích quyền, nghĩa vụ của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, các biện pháp có thể áp dụng đối với họ…
Những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nêu trên khi được khách hàng yêu cầu, chỉ cần xuất trình Thẻ luật sư và văn bản yêu cầu cảu khách hàng với Cơ quan điều tra, không phải làm thủ tục đăng ký như được quy định tại Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.