Để bảo đảm thực hiện quyền đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án của người bào chữa, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung một điều (Điều 82) quy định việc đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án. Người bào chữa có quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án. Người bào chữa có quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu bằng các phương tiện điện tử nhưng không được đưa hồ sơ vụ án ra khỏi nơi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để sao chụp tài liệu.
Khi nhận hồ sơ từ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đọc, ghi chép, sao chụp, người bào chữa phải kiểm tra tài liệu, bút lục có trong hồ sơ được giao. Sau khi đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu, người bào chữa phải bàn giao nguyên trạng hồ sơ vụ án cho cơ quan đã cung cấp hồ sơ. Nếu để mất, thất lạc, hư hỏng tài liệu, hồ sơ vụ án thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp người bào chữa cố ý để mất, thất lạc, hư hỏng tài liệu, hồ sơ vụ án thì tùy theo nguyên nhân và bối cảnh xảy ra sự việc, nếu về mặt chủ quan cố ý thực hiện các hành vi nêu trên thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc theo quy định tại Điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.