Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bào chữa có quyền thu thập, đưa ra tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa (điểm d khoản 1 Điều 58) nhưng không quy định cơ chế để người bào chữa thực hiện quyền này. Để bảo đảm thực hiện quyền thu giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa trên thực tế, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được bổ sung một điều (Điều 81) quy định về thu thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa. Đây là các quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền bào chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa thực hiện nhiệm vụ bào chữa của mình.
Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
Tùy từng giai đoạn điều tra, truy tố hay xét xử, khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bào chữa phải kịp thời giao cho cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền để đưa vào hồ sơ vụ án. Nếu vì lý do nào đó mà người bào chữa không kịp thời giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật thu thập được thì có thể cung cấp, bổ sung chứng cứ trong phần chuẩn bị phiên tòa sơ thẩm khi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết các yêu cầu, đề nghị hoặc trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa. Việc giao, nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp mặc dù người bào chữa xác định được những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa nhưng không thể thu thập được do không nhận được sự phối hợp, giúp đỡ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa thực hiện nhiệm vụ của mình, Bộ luật tố tụng hình sự quy định trường hợp người bào chữa không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thì người bào chữa có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm xem xét, quyết định việc thu thập chứng cứ, đồ vật, tài liệu theo đề nghị của người bào chữa.