Tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là một trong những căn cứ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khởi tố vụ án hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có quy định về tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Điều 101, 103), nhưng chưa quy định về quyền, nghĩa vụ của chủ thể này dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Khắc phục bất cập này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung một điều (Điều 56) quy định về người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của họ. Quy định này khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho họ khi tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời là căn cứ để các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Theo đó, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm; cơ quan, tổ chức đã báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa; được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Bên cạnh những quyền trên, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm và cơ quan, tổ chức đã báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.