Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải bồi thường thiệt hại.
Nếu nguyên đơn dân sự là người bị thiệt hại do tội phạm gây ra thì bị đơn dân sự lại là người phải bồi thường những thiệt hại do tội phạm gây ra, đó là thiệt hại mà tội phạm gây ra cho người bị hại và cá nhân, cơ quan, tổ chức là nguyên đơn dân sự.
Trong vụ án hình sự, bị can, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự, bồi thường cho bị hại, nguyên đơn dân sự, nên có thể đồng thời là bị đơn dân sự. Trong trường hợp này họ có cả quyền, nghĩa vụ của bị can, bị cáo và bị đơn dân sự. Đối với bị can, bị cáo là người từ đủ 18 tuổi hoặc bị can, bị cáo phạm tội không thuộc trường hợp thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ cần xác định họ là bị can, bị cáo là đủ mà không cần phải xác định họ là bị đơn dân sự.
Ngoài ra, bị đơn dân sự có thể không phải là người gây ra thiệt hại cho nguyên đơn dân sự hoặc người bị hại mà thiệt hại đó do người phạm tội gây ra, nhưng theo quy định của pháp luật thì họ lại phải bồi thường thay cho người phạm tội. Trong trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự mà vụ án hình sự vẫn đưa ra xét xử đối với các bị cáo khác thì họ tham gia vụ án với tư cách bị đơn dân sự.
Tương tự như nguyên đơn dân sự, so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung các quyền và nghĩa vụ của bị đơn dân sự: được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ; chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn dân sự; đưa ra chứng cứ; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; được thông báo kết quả giải quyết vụ án có liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi người tham gia phiên tòa; xem biên bản phiên tòa; tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; các quyền khác theo quy định của pháp luật. Về nghĩa vụ, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung nghĩa vụ chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm bảo đảm thuận lợi cho hoạt động tố tụng hình sự.