Quyền dân sự và việc bảo đảm quyền dân sự

Quyền được hiểu là những điều mà pháp luật công nhận và bảo đảm việc thực hiện đối với cá nhân, tổ chức. Nói cách khác, quyền là những gì mà cá nhân, tổ chức được hưởng, được làm, được đòi hỏi và không ai được ngăn cản, hạn chế.  Lĩnh vực dân sự là lĩnh vực hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần của con người, được đặc trưng bởi tính tự nguyện, tự do ý chí và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia quan hệ. Do đó, quyền dân sự có các đặc điểm chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, quyền dân sự là quyền phát sinh trong một lĩnh vực hoạt động đặc thù gọi là lĩnh vực dân sự. Hoạt động dân sự là hoạt động được đặc trưng bởi tính bình đẳng, tự do, tự nguyện của các chủ thể trong việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ giữa các chủ thể dân sự với nhau được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, tự do ý chí nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần của các chủ thể.

Thứ hai, để thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần của chủ thể nên quyền dân sự được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: do luật định, do các bên xác lập trên cơ sở hợp đồng hoặc các hành vi pháp lý đơn phương… Do đó, quyền dân sự  không chỉ phát sinh trên cơ sở quy định trực tiếp của pháp luật mà còn có thể do các bên tự xác lập dựa trên các giao dịch dân sự cụ thể. Giao dịch là hành vi có ý thức của chủ thể nhằm đạt được mục đích nhất định, cho nên giao dịch dân sự là hành vi mang tính ý chí của chủ thể tham gia giao dịch, với những mục đích và động cơ nhất định. Hợp đồng dân sự là giao dịch phổ biến nhất trong đó thể hiện ý chí của hai hay nhiều bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Thông thường, hợp đồng có ít nhất hai bên tham gia trong đó thể hiện sự thống nhất ý chí của các chủ thể trong một quan hệ cụ thể. Hành vi pháp lí đơn phương là giao dịch trong đó thể hiện ý chí của một bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Thứ ba, các quyền dân sự thông thường do các chủ thể tự nguyện thực hiện quyền dân sự của mình. Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các bên thực hiện quyền của mình trong những trường hợp cần thiết để thực hiện các dịch vụ công hoặc can thiệp để bảo vệ khi các quyền dân sự của các chủ thể dân sự bị vi phạm.

Thứ tư, quyền dân sự tuy rất quan trọng nhưng điều đó không có nghĩa là không bị hạn chế. Tuy nhiên, việc giới hạn quyền dân sự chỉ được thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết vì lợi ích chung của của tập thể, của cộng đồng, của xã hội và phải tuân theo những nguyên tắc pháp lý chặt chẽ không thể tùy tiện. Các nguyên tắc cơ bản đó là:

Một là, việc giới hạn quyền dân sự phải được quy định trong pháp luật quốc gia. Yêu cầu này nhằm để tránh sự tùy tiện trong việc giới hạn quyền của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt với cơ quan hành chính vì các cơ quan này vừa là chủ thể bảo vệ quyền, vừa là chủ thể có khả năng xâm phạm quyền lớn nhất. Đối với Tòa án, thì việc giới hạn quyền dân sự được bảo đảm thực hiện bằng chính quy trình tố tụng buộc Tòa án phải tuân thủ.

Hai là, những giới hạn đặt ra phải phù hợp, không thể đến mức làm triệt tiêu quyền dân sự. Yêu cầu này nhằm bảo đảm những giới hạn đặt ra không làm tổn hại đến khả năng của các cá nhân có liên quan trong việc hưởng thụ các quyền đó. Mục đích giới hạn là chỉ nhằm để thúc đẩy phúc lợi chung của cộng đồng, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ quyền lợi của những chủ thể khác, bảo vệ sự an toàn của cộng đồng, bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của cộng đồng…

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, các quyền dân sự  đã được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Theo đó, quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp thật sự cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng… So với trước đây, việc tôn trọng và bảo vệ các quyền dân sự của các chủ thể tại Việt Nam đã được mở rộng và nhấn mạnh. Điều này có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động giao dịch dân sự trong đời sống xã hội.

XEM THÊM