Tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?

Theo tác giả việc xác định “tái phạm” chỉ căn cứ vào các điều kiện quy định tại Điều 53 BLHS năm 2015 mà không phụ thuộc vào việc bản án có ghi nhận hay không; việc bản án ghi “tái phạm” chỉ là đánh giá, xác định về nhân thân của bị cáo.

Ảnh minh họa
                                     Ảnh minh họa

Nội dung vụ việc:

– Ngày 05/10/2010, Nguyễn Văn A bị TAND huyện A, tỉnh C kết án 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng về hành vi trộm cắp 01 chiếc điện thoại trị giá 10 triệu đồng theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999.

– Ngày 10/2/2014, A thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, bị TAND huyện N, tỉnh K đưa ra xét xử vào ngày 10/9/2014, kết án 02 năm tù về hành vi cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, Cơ quan tiến hành tố tụng huyện N không xem xét việc A đã bị kết án năm 2010 chưa được xóa án tích để áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” đối với A. Bản án có hiệu lực pháp luật và A đã chấp hành hình phạt tù.

– Ngày 15/5/2018, A phạm tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 BLHS năm 2015. Quá trình điều tra xác định, đến nay A chưa thi hành phần dân sự của bản án năm 2010 và năm 2014 (án phí và nghĩa vụ bồi thường dân sự).

Hiện có 02 quan điểm giải quyết đối với A như sau:

Quan điểm thứ nhất: Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về Tội mua bán người theo quy định tại khoản 1 Điều 150 BLHS năm 2015 có mức hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm và áp dụng tình tiết tăng nặng là “tái phạm”. Vì bản án năm 2014 không xác định A “tái phạm” nên lần phạm tội này A không bị áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” (theo hướng có lợi cho A).

Quan điểm thứ hai: Cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về Tội mua bán người theo quy định tại khoản 3 Điều 150 BLHS năm 2015 có mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm với tình tiết định khung là “tái phạm nguy hiểm”. Vì năm 2014 A đã “tái phạm” nay tiếp tục phạm tội do lỗi cố ý, không bắt buộc bản án năm 2014 phải xác định A “tái phạm”.

Cả 02 quan điểm trên đều có yếu tố hợp lý. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả để đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật đối với tình huống trên thì mấu chốt của vấn đề là chúng ta cần phải quay lại “mổ xẻ” khoản 1 Điều 53 BLHS năm 2015 để xác định như thế nào là “tái phạm” (do bản án năm 2014 đến nay đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng bất lợi cho A quy định tại khoản 1 Điều 379 BLTTHS năm 2015).

Điều 53. Tái phạm, Tái phạm nguy hiểm

1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Như vậy, khoản 1 Điều 53 BLHS chỉ quy định được coi là tái phạm khi cá nhân, pháp nhân đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội thuộc 03 trường hợp sau:

– Thực hiện hành vi phạm tội do lỗi cố ý (không quan tâm đến hành vi đã thực hiện thuộc loại tội phạm nào).

– Thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi vô ý.

– Thực hiện hành vi phạm tội về tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi vô ý.

Ngoài 03 trường hợp nêu trên nếu cá nhân, pháp nhân đã bị kết án chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do lỗi vô ý thì không được coi là tái phạm.

Ở đây điều luật chỉ đề cập đến việc “trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội…” thì xác định là tái phạm mà không đề cập đến việc tái phạm phải được xác định (ghi rõ) trong bản án hoặc tài liệu, văn bản khác. Do đó, việc xác định “tái phạm” chỉ căn cứ vào các điều kiện như nêu trên mà không phụ thuộc vào việc bản án có ghi nhận hay không; việc bản án có ghi nhận “tái phạm” đó chỉ là việc xác định nhân thân của bị cáo mà thôi.

Từ những phân tích trên, quan điểm của tác giả là phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về tội về Tội mua bán người theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 150 BLHS năm 2015 với tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm”.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc.

Nguyễn Hữu Cảnh – Thanh tra VKSND tối cao

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát (kiemsat.vn)

XEM THÊM