Thời hạn tạm giữ trong tố tụng hình sự

1.Thực tiễn thi hành quy định về thời hạn tạm giữ quy định tại Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cho thấy, cơ quan có thẩm quyền điều tra có thể nhận người bị bắt ở hai địa điểm: Tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền điều tra hoặc tại nơi người đó bị bắt. Nếu sau khi người bị bắt được giải đến Cơ quan điều tra để giao nhận tại đó thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn tạm giữ là phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp Cơ quan điều tra phải cử người đến nơi bắt để nhận người bị bắt cách xa trụ sở Cơ quan điều tra, quá trình áp giải người bị bắt về trụ sở thời gian kéo dài (như ở vùng sâu, vùng xa, nơi xa xôi, hẻo lánh…) mà nếu thời điểm bắt đầu tính thời hạn tạm giữ là thời điểm Cơ quan điều tra nhận người bị bắt là không phù hợp, trong nhiều trường hợp khi áp giải được người bị bắt về trụ sở Cơ quan điều tra thời gian đã quá 3 ngày. Khắc phục hạn chế này, khoản 1 Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định thời hạn tạm giữ được tính từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Như vậy, thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày được tính theo các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Chủ thể tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người không phải là Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, sau khi giữ người, bắt người thì chuyển người bị giữ, bị bắt đến trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; các cơ quan này ra quyết định tạm giữ. Trong trường hợp này thời hạn tạm giữ được tính kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt.

Trường hợp 2: Chủ thể tiền hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người không phải là Cơ quan điều tra, sau khi giữ người, bắt người thì báo cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền đến. Cơ quan điều tra đến để nhận người bị bắt, áp giải người bị giữ, bị bắt về trụ sở của mình và ra quyết định tạm giữ. Trong trường hợp này thời hạn tạm giữ được tính kể từ khi Cơ quan điều tra áp giải người bị giữ, bị bắt về trụ sở của mình.

Trường hợp 3: Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú thì thời hạn tạm giữ được tính kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ.

2.Trường hợp cần thiết, để tiếp tục xác minh nhân thân, kết quả giám định hoặc các tình tiết khác có liên quan đến vụ án để quyết định việc khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn khác hoặc trả tự do cho người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 3 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày. Trong mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Như vậy, nếu có gia hạn tạm giữ thì thời hạn tạm giữ không được quá 9 ngày.

3.Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã ra hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Trường hợp có căn cứ khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam thì trước khi hết hạn tạm giữ, Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố bị can và quyết định tạm giam chuyển cho Viện kiểm sát để xét phê chuẩn.

– Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam, một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Trong trường hợp tạm giữ và tạm giam liên tục hoặc không liên tục với nhau thì thời hạn tạm giữ đều phải được trừ vào thời gian tạm giam để điều tra, nhưng không được tính chồng lên thời hạn tạm giam vì tạm giữ được áp dụng đối với người chưa phải là bị can. Quy định “Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam” chỉ áp dụng trong giai đoạn điều tra, không áp dụng trong giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử, bởi vì, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra có quan hệ gắn bó với nhau. Do đó, trong trường hợp một người đã bị tạm giữ nhưng không bị tạm giam trong giai đoạn điều tra, nếu sau đó phải áp dụng biện pháp tạm giam đối với người đó để phục vụ công tác truy tố hoặc xét xử, thì thời gian tạm giữ trước đó không được trừ vào thời hạn tạm giam.

Việc quy định theo hướng này đòi hỏi việc tạm giữ, tạm giam người phải chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi cho người bị tạm giữ; đồng thời phân định rành mạch trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, nhất là trong trường hợp để xảy ra oan sai.

XEM THÊM