Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử là một hoạt động quan trọng trong tố tụng hình sự. Cùng với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, công nghệ thông tin, việc ghi nhận dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể về việc thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý trong việc thu thập nguồn chứng cứ này, bảo đảm tính đồng bộ trong quy định của hệ thống pháp luật. Với tính chất đặc thù, dữ liệu điện tử được lưu trữ trong phương tiện điển tử nên để thu thập dữ liệu điện tử phải thông qua phương tiện điển tử.
Hiện nay, phương tiện điện tử rất đa dạng như máy tính, máy điện thoại di động, máy ghi âm, ghi hình… và tương lai sẽ còn xuất hiện nhiều phương tiện điện tử mới. Để thu thập dữ liệu điện tử thì phương tiện điện tử chứa đựng dữ liệu điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tính nguyên trạng của dữ liệu điện tử. Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu giữ liệu điện tử đó vào trong phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng. Đồng thời, Điều luật yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lưu trữ, bảo quản dữ liệu điện tử. Việc sao lưu phải được thực hiện kịp thời, đúng kỹ thuật; phải sử dụng các thiết bị và phần mềm được công nhận và cso thể kiểm chứng được nhằm bảo đảm thu thập dữ liệu điện tử đầy đủ, không bị xóa, thay đổi trong quá trình sao lưu, đồng thời phải bảo vệ được tính nguyên vẹn của dữ liệu điện tử lưu trong máy.
Cũng như đối với các nguồn chứng cứ khác, khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải bảo đảm cách thức và trình tự quy định, phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.
Thực tế cho thấy, hầu hết các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao đều am hiểu về công nghệ, luôn tìm mọi cách để xóa dấu vết, tiêu hủy chứng cứ; vì vậy, việc khôi phục dữ liệu điện tử là hoạt động hết sức quan trọng nhằm thu thập chứng cứ. Việc phục hồi dữ liệu điện tử trên phương tiện điện tử là việc khôi phục lại trạng thái làm việc của phương tiện điện tử khi đối tượng đang sử dụng thì bị thu giữ hoặc khôi phục, tìm kiếm các dữ liệu đã được lưu giữ trong quá trình sử dụng phương tiện điện tử đã bị xóa. Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao nhằm bảo đảm tính nguyên trạng của bản chính; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được.
Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dẽ liệu điện tử.
Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội