- Biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam là biện pháp cách ly người bị buộc tội khỏi xã hội trong một thời gian nhất định. Trong thời gian bị cách ly, người bị buộc tội không thể thực hiện một số quyền của mình như nuôi dưỡng, chăm sóc người thân thích là những người không thể tự chăm sóc cho bản thân hoặc tự bảo quản tài sản của mình. Trên cơ sở kế thừa quy định về việc chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Điều luật đã được bổ sung diện người người thân thích của người bị tạm giữ, tạm giam là người có nhược điểm về tâm thần, theo đó, người tàn tật, già yếu, có nhược điểm về tâm thần mà không có người chăm sóc thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam giao người đó cho người thân thích khác chăm nom. Trường hợp không có người thân thích thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam giao những người đó cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú chăm nom.
Trường hợp tạm giữ, tạm giam đối với phụ nữ có con nhỏ dưới 36 tháng đi cùng thì cơ sở giam giữ phải bảo đảm chế độ theo quy định . Sauk hi con đủ 36 tháng tuổi thì phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng; trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở lao động – Thương binh và Xã hội chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người bị tạm giữ, tạm giam sau khi được trả tự do được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.
2. Khi thi hành biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị tạm giữ, tạm giam có nhà ở hoặc tài sản khác mà không có người bảo quản thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam phải áp dụng những biện pháp bảo quản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện những quy định này hết sức khó khăn đối với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đối với những tài sản như tiền, vàng, đồng hồ… thì có thể bảo quản trong kho, nhưng đối với những tài sản lớn không thể bảo quản trong kho như nhà hoặc những tài sản lớn như ô tô, tàu thủy… thì vấn đề đặt ra rất khó giải quyết. Cùng với đó, việc bảo quản có đòi hỏi phải giữ nguyên giá trị sử dụng của tài sản cũng không được quy định cụ thể. Đây là vấn đề cần được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn rõ để bảo đảm tính khả thi trên thực tế.
3. Cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam thông báo cho người bị tạm giữ, tạm giam biết việc chăm nom, chăm sóc người thân thích và bảo quản tài sản của họ. Việc thông báo được lập văn bản và đưa vào hồ sơ vụ án.