Quan hệ pháp luật là những quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Trong hệ thống pháp luật, mỗi ngành luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội khác nhau.
Quan hệ pháp luật dân sự là một dạng quan hệ pháp luật. Vì vậy, nó mang đầy đủ đặc tính của quan hệ pháp luật về bản chất xã hội, bản chất pháp lí, tính cưỡng chế nhà nước…Ngoài các đặc điểm chung của quan hệ pháp luật, quan hệ pháp luật dân sự còn mang những đặc điểm riêng. Những đặc điểm riêng này xuất phát từ bản chất của các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh và những đặc điểm của phương pháp điều chỉnh.
Chủ thể tham gia vào các quan hệ dân sự đa dạng bao gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng với các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương. Tuy nhiên, khi tham gia vào quan hệ dân sự, các chủ thể độc lập với nhau về tổ chức và tài sản. Xuất phát từ các quan hệ mà luật dân sự điều chỉnh là những quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân là những quan hệ phát sinh trong đời sống thường nhật của các cá nhân, tổ chức, trong tiêu dùng cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong giao lưu dân sự thì hộ gia đình, tổ hợp tác và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng với các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương là các chủ thể đặc biệt tham gia vào các quan hệ dân sự, các chủ thể này độc lập với nhau về tổ chức và tài sản, được quyền tự định đoạt khi tham gia vào các quan hệ dân sự nhưng buộc phải thực hiện các nghĩa vụ khi đã tham gia vào các quan hệ dân sự đó.
Địa vị pháp lí của các chủ thể dựa trên cơ sở bình đẳng, không bị phụ thuộc vào các yếu tố xã hội khác. Mặc dù trong quan hệ pháp luật dân sự cụ thể, các bên tham gia là các chủ thể đối lập nhau trong việc phân định quyền và nghĩa vụ: Một bên mang quyền, một bên gánh chịu nghĩa vụ và thông thường, trong quan hệ dân sự, các bên đều có quyền và nghĩa vụ đối nhau.
Bộ luật dân sự quy định về địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Những vấn đề cơ bản trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự bao gồm:
Thứ nhất, Bộ luật dân sự được ban hành để quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể cũng như quy định cách xử sự mà các chủ thể được phép lựa chọn hoặc phải tuân theo khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự.
Thứ hai, Bộ luật dân sự được ban hành để điều chỉnh các quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân phát sinh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự không điều chỉnh mọi quan hệ tài sản cũng như không điều chỉnh mọi quan hệ nhân thân mà chỉ điều chỉnh các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.
Như vậy, các quan hệ tài sản được điều chỉnh là các quan hệ thể hiện ý chí của các bên chủ thể, có tính chất hàng hoá tiền tệ, có tính chất đền bù tương đương trong trao đổi (trừ một số ngoại lệ không có tính đền bù tương đương như tặng cho) và việc điều chỉnh quan hệ nhân thân được thể hiện thông qua quy định các giá trị nhân thân nào là quyền nhân thân và quy định các phương thức bảo vệ quyền nhân thân.