Người định giá tài sản trong vụ án hình sự

Định giá tài sản để có căn cứ giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự hoặc xác định giá trị thiệt hại làm cơ sở định khung hình phạt là hoạt động tố tụng hình sự phổ biến trên thực tế. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cũng như Pháp lệnh về giám định tư pháp năm 2004 trước đây và Luật giám định tư pháp năm 2012 chưa quy định cụ thể về định giá tài sản trong tố tụng hình sự nên còn có nhiều cách hiểu chưa thống nhất về vấn đề này. Có quan điểm cho rằng, định giá tài sản là hoạt động giám định tư pháp, quan điểm khác lại cho rằng, giám định tư pháp và định giá tài sản là hai hoạt động độc lập, khác nhau về bản chất. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, theo đó việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự được thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Tiếp sau, ngày 0/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản, trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự thay thế Nghị định 26/2005/NĐ-CP (Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/5/2018). Tuy nhiên, quy định thế nào là người định giá tài sản chưa được đề cập trong các văn bản nói trên.

Luật sư Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

Trong quá trình xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu và thống nhất cho rằng, giám định tư pháp và định giá tài sản là hai hoạt động khác nhau, cần phải quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng hình sự để thống nhất áp dụng, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động này. Trên tinh thần đó, cùng với quy định về giám định, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định điều luật mới về người định giá tài sản. Dó là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật.

Về quyền của người định giá tài sản gồm:

  • Tìm hiểu tài liệu của vụ án liên quan đến đối tượng phải định giá. Những tài liệu có liên quan đến đối tượng phải định giá là những tài liệu mà cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được như lời khai về đối tượng phải định giá, giấy tờ mua bán, biên bản có nội dung mô tả về đối tượng phải định giá… Đặc biệt đối với những tài sản bao gồm cả những giá trị tinh thần như đồ cổ, cây cảnh, kỷ vật… thì việc tìm hiểu tài liệu của vụ án liên quan đến đối tượng định giá có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chính xác giá trị của đối tượng phải định giá.
  • Yêu cầu cơ quan yêu cầu định giá, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá cung cấp tài liệu cần thiết cho việc định giá. Những tài liệu cần thiết cho việc định giá bao gồm những thông tin cơ bản về đối tượng phải định giá để qua đó người định giá xác định được các tiêu chí phục vụ việc định giá được chính xác.
  • Từ chối thực hiện định giá trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành định giá, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để định giá, nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình.
  • Ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá tài sản. Do Hội đồng định giá tài sản làm việc theo cơ chế hội đồng, biểu quyết theo đa số nên trong trường hợp không có sự thống nhất tuyệt đối giữa các thành viên trong Hội đồng thì những người có ý kiến không thống nhất với kết luận chung có quyền ghi ý kiến của mình vào bản kết luận định giá. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể căn cứ vào ý kiến này để yêu cầu định giá lại nếu ý kiến đó là có căn cứ.
  • Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh việc quy định các quyền để bảo đảm cho người định giá tài sản thực hiện được nhiệm vụ của mình thì người định giá tài sản có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện định giá tài sản; các nghĩa vụ khác theo quy định của luật. Việc quy định về nghĩa vụ của người định giá tài sản nhằm bảo đảm thuận lợi cho hoạt động tố tụng.

Người định giá tài sản kết luận gian dối hoặc từ chối tham gia định giá mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Để bảo đảm khách quan trong hoạt động định giá, người định giá tài sản phải tự mình từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo; đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó hoặc đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó. Việc thay đổi người định giá tài sản do cơ quan yêu cầu định giá tài sản quyết định.

Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội

XEM THÊM